[Tác giả: Nikolai Buzin, Tiến sĩ khoa học quân sự, Trợ lý Chủ tịch Hạ viện Quốc hội Belarus]
Đầu tháng 5/2023, Trung tâm ứng phó virus quốc gia và Công ty “An ninh mạng 360” của Trung Quốc đã công bố một bản báo cáo, trong đó cáo buộc sự tham gia của Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) vào việc tổ chức các cuộc “cách mạng màu” và các cuộc tấn công mạng trên khắp thế giới.
Phát hiện trên thực chất không mới nhưng vẫn thu hút một lượng lớn bình luận. Trong đó, nhận xét về vai trò của Washington và việc sử dụng Internet trong các cuộc “cách mạng màu”, các nhà nghiên cứu Trung Quốc cho rằng, đây chỉ là phần nổi của tảng băng chìm trong các hoạt động nhằm duy trì sự ảnh hưởng của Mỹ.
Trong một cuộc phỏng vấn với báo giới Belarus và nước ngoài ngày 13/11/2020, Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko nhận định rằng, bất kỳ cuộc “cách mạng màu” nào cũng làm cho nhà nước suy yếu đi và người dân nghèo hơn; không có nơi nào người dân lại sống tốt hơn sau những cuộc bạo loạn này. Theo ông Lukashenco, “phương thuốc đặc trị” cho vấn đề này là mở rộng và làm sâu sắc thêm các mối quan hệ song phương của Belarus và tham gia vào các tổ chức quốc tế như EAEU, CIS, CSTO trên các bình diện kinh tế, an ninh và ngoại giao.
Ai nắm giữ thông tin?
Thao túng tâm lý cá nhân và đám đông để đạt được mục tiêu trong chính trị quốc tế có lịch sử từ lâu. Trở lại những năm 1960 và 1970, khi đó Mỹ tin chắc rằng những nỗ lực trực tiếp đánh bại Liên Xô là không thể và họ đã bắt đầu chính sách phá hủy từ bên trong. Để làm được điều này, họ nhấn mạnh vào tâm lý học, quảng bá các giá trị phương Tây, thao túng thông tin và các công cụ của “quyền lực mềm”.
Việc thao túng tâm lý dựa trên các công nghệ hiện đại nhằm tạo dựng xung đột và quản trị xung đột. Nền tảng của ý tưởng khoa học này được Herbert Marcuse, Martin Heideger và một số nhà khoa học khác khởi xướng. Sau Thế chiến II, khía cạnh ứng dụng trong ý tưởng của họ đã được phát triển hơn nữa. Năm 1968, sự phát triển lý thuyết nêu trên đã thể hiện thành cuộc “cách mạng sinh viên” ở Pháp, dẫn đến việc Tổng thống Charles de Gaulle phải từ chức.
Tổng thống Mỹ thứ 37 Richard Nixon, người theo chủ nghĩa thực dụng Anglo-Saxon khái quát bản chất của quá trình thao túng tâm lý qua truyền thông đã tuyên bố: Một USD đầu tư vào thông tin và tuyên truyền có giá hơn 10 USD đầu tư vào việc tạo ra các hệ thống vũ khí, bởi vì vũ khí khó được sử dụng trong kinh doanh, trong khi thông tin thì hoạt động mọi lúc và mọi nơi.
Trong khi đó, Giáo sư J. Sharp của Đại học Harvard, Mỹ đã khái quát hóa việc sử dụng công nghệ trong các cuộc “cách mạng màu” vào năm 1973, cho rằng đó là một loại hoạt động thông tin được thực hiện bằng các phương pháp đấu tranh phi cổ điển (phương pháp phản kháng bất bạo động) nhằm thay đổi một chế độ chính trị hoặc lật đổ giới cầm quyền này để thay bằng những người khác.
Hiệu quả tối đa, chi phí tối thiểu
“Cách mạng màu” đã trở thành công cụ ưa thích của Washington trong quá trình “dân chủ hóa” thế giới vào cuối thế kỷ XX và đầu thế kỷ XXI. Bộ Ngoại giao Mỹ và CIA là những “nhân vật” chính thực hiện chiến lược này trong nhiều thập kỷ. Lĩnh vực quan trọng nhất được sử dụng để tác động toàn diện đến cá nhân và xã hội là không gian mạng với các lĩnh vực như thông tin, truyền thông, giải trí.
Với sự ra đời của trang web thông tin toàn cầu Internet, quá trình thao túng tâm lý này đã đạt cấp độ toàn cầu và khả năng thao túng cũng đã tăng lên đáng kể.
Các sự kiện xảy ra trong không gian hậu Xô Viết, Bắc Phi, Trung Đông và Hong Kong (Trung Quốc) đã trở thành những ví dụ sinh động về hiệu quả của công nghệ “cách mạng màu”. Bước sang thế kỷ 21, giới khoa học phương Tây tiếp tục tìm kiếm những phương án tối ưu nhằm duy trì ảnh hưởng của mình trong thế giới hiện đại. Họ đưa ra hàng loạt lý thuyết như “tê liệt chiến lược”, “chặt đầu”, “sốc và kinh hoàng” và những lý thuyết khác với mục tiêu đạt hiệu quả cao nhất với chi phí thấp nhất trong cuộc chiến bằng cách phá hủy đạo đức và tâm lý của giới lãnh đạo chính trị của quốc gia thù địch, thông qua việc sử dụng toàn bộ các phương tiện từ loại bỏ thể chất (ám sát) đến làm mất uy tín trong nước và cộng đồng thế giới.
Tấn công hỗn hợp
Lý thuyết về chiến tranh hỗn hợp của chuyên gia Lầu Năm góc Robert Bunker (1996) và của Frank G. Hoffman (2007) giữ một vị trí đặc biệt trong chiến lược của Mỹ. Các công cụ của chiến tranh hỗn hợp là các yếu tố của sức mạnh “mềm”, cho phép đạt được mục tiêu mà không cần quá nhiều sự phá hủy và thiệt hại vật chất, bằng cách hướng đến việc thay đổi hành vi, thay đổi lựa chọn, thay đổi nhận thức.
Ba hình thức gây ảnh hưởng bao gồm: thao túng thông tin của dân chúng và giới tinh hoa quốc gia nhằm làm mất uy tín của hệ thống chính trị hiện hành và giá trị truyền thống – văn hóa dân tộc; mở rộng kinh tế và tài chính, hình thành sự phụ thuộc vào các khoản vay bên ngoài; khuyến khích chủ nghĩa ly khai dân tộc.
Do bị thao túng thông tin một cách có chủ đích, một cá nhân bắt đầu hành động trên cơ sở các nhu cầu hư cấu được tạo ra một cách giả tạo, không nhận ra thực tế và tự gây hại cho bản thân cũng như cộng đồng. Để thực hiện hiệu quả kịch bản này, cần có nguồn “nguyên liệu” là một xã hội có trình độ học vấn thấp, nhu cầu trung bình, ít có khả năng tư duy sáng tạo và dễ bị ảnh hưởng bởi thông tin.
Để có được một xã hội như vậy làm “chất liệu”, các “nhà thiết kế” Mỹ giải quyết bằng cách đơn giản hóa và phổ cập hóa các chương trình giáo dục, áp đặt các tiêu chuẩn giáo dục cho các nước bên ngoài, tạo điều kiện lý tưởng cho những người nước ngoài tài năng làm việc trong các thực thể nghiên cứu của Mỹ. Do đó, chính tác động thông tin và tâm lý thông qua không gian mạng, chứ không phải quân sự, mới là yếu tố quyết định trong khuôn khổ của một cuộc chiến tranh hỗn hợp hiện đại.
Người hưởng lợi và nạn nhân
Không phải ngẫu nhiên mà không gian thông tin ngày nay trở thành đấu trường đối đầu khốc liệt. Hơn nữa, hoạt động trong lĩnh vực này được thực hiện trên hai lĩnh vực chính: thông tin – tâm lý và thông tin – kỹ thuật (phần mềm – công nghệ). Đối tượng tác động trong khuôn khổ thứ nhất là cá nhân, xã hội và nhà nước với tư cách là những đơn vị thông tin – tâm lý có khả năng tiếp nhận và xử lý thông tin.
Mục tiêu của sự thao túng là hình thành thế giới quan, nguyên tắc, lý tưởng, khuôn mẫu hành vi cần thiết. Trên thực tế, đó là việc định dạng lại ý thức cá nhân và nhóm người, có tính đến các đặc điểm tâm lý. Liên quan đến phương diện này, các phương tiện truyền thông đại chúng, các hiệp hội chính thức và không chính thức, các phong trào thế tục và tôn giáo, cùng các công cụ khác được Mỹ sử dụng để thực hiện các giai đoạn của chương trình tâm lý. Chính đường hướng này mang tính quyết định về hiệu quả và cho phép họ thực hiện chức năng “thao túng tâm lý”.
Hợp phần thứ hai – công nghệ thông tin – nhằm phát triển các công nghệ cho phép hoạt động trong không gian mạng, tác động đến mảng thông tin, cơ sở hạ tầng và dữ liệu. Các cuộc tấn công của tin tặc, virus độc hại, gian lận dữ liệu và đánh cắp dữ liệu bí mật đều là những yếu tố tác động của công nghệ thông tin. Sự phát triển của công nghệ thúc đẩy thị trường và cho phép Mỹ tạo ra một môi trường có lợi nhuận cho các hoạt động như vậy. Các quốc gia kém tiềm lực khoa học và công nghệ buộc phải từ bỏ của cải có thực (tài nguyên thiên nhiên, tài sản hữu hình) để đổi lấy một sản phẩm ảo.
Ngày nay, thông tin đang trở thành một phương tiện phổ biến để đạt được các mục tiêu kinh tế, chính trị và quân sự. Do đó, xu hướng gia tăng sự phụ thuộc của xã hội và cá nhân vào thế giới ảo có tác động làm thay đổi quan niệm truyền thống của một người về bản thân, về thế giới xung quanh và về vị trí của mình trong đó. Không gian mạng đang được các lực lượng quân sự và cơ quan tình báo của nhiều quốc gia tích cực phát triển.
Mỹ và NATO đánh đồng một cách hợp pháp một cuộc tấn công mạng với một cuộc tấn công vũ trang và phân loại không gian mạng là một trong những lĩnh vực hoạt động quân sự. Điều này mở ra một trang mới trong lịch sử đối đầu giữa các quốc gia. Đối tượng của thông tin phá hoại và tác động là tâm lý của người dân, với nhiệm vụ là làm tổn hại đến đời sống tinh thần và đạo đức của người dân, ký ức lịch sử và văn hóa, thế giới quan, lý tưởng đạo đức của họ.
Mục tiêu quan trọng nhất của quá trình này là hình thành một xã hội tiêu dùng, không có cốt lõi bên trong và không thể chống lại sự bành trướng thông tin và tâm lý. Trong bối cảnh đó, các hệ thống nhà nước khác cần phải có các công cụ và đủ năng lực cần thiết để vô hiệu hóa các mối đe dọa an ninh hiện đại trong tương lai.