Công ty được thành lập tại nước ngoài, đồng tiền mã hóa khi phát hành được neo vào những dự án có triển vọng, hồ sơ của những nhà sáng lập dự án rất đẹp và uy tín – Đó chính là cái bẫy đa cấp tinh vi rất khó nhận ra với những người đầu tư tiền ảo.
Hiện tại hình thức kinh doanh đa cấp vẫn hợp pháp tại Việt Nam. Nhưng gần đây ngoài các sản phẩm dịch vụ thật, xuất hiện một hình thức kinh doanh đa cấp mới là kêu gọi đầu tư tiền ảo theo mô hình đa cấp. Có vô số biến tướng của hình thức kinh doanh đa cấp này nhưng một trong những loại hình tinh vi nhất là đa cấp tiền ảo bằng tiền ảo. Qua đó, những nhà đầu tư tiền ảo được trả lợi nhuận bằng chính đồng tiền ảo mà mình đầu tư vào. Chỉ đến khi dự án sập hay đồng tiền ảo hạ giá trị đến gần bằng 0 thì nhà đầu tư mới nhận ra mình bị lừa.
Bẫy đa cấp tiền ảo bắt đầu từ một công ty quốc tế?
Một nhà đầu tư có kinh nghiệm luôn tìm hiểu khoản tiền của mình sẽ đi về đâu, được sử dụng như thế nào và khả năng sinh lời là bao nhiêu? Nhưng rất khó để nhận ra một dự án “ma” khi từ khởi đầu cho đến lúc kết thúc dự án này luôn “có vẻ” minh bạch và có tiềm năng lớn. Nhất là khi đồng tiền ảo của dự án (thường là tiền mã hóa) được phát hành tại một công ty ở nước ngoài, có vốn pháp định lớn, được neo vào những dự án có tiềm năng thương mại và hồ sơ cá nhân của những người đứng đầu dự án rất đẹp. Nhưng để làm những điều này thật ra rất đơn giản.
Một số công ty phát hành tiền mã hóa luôn chọn những đất nước có hành lang pháp lý tương đối cởi mở và cho phép hoạt động kinh doanh tiền ảo để thành lập công ty. Ví dụ như có đến 9/10 các công ty phát hành tiền mã hóa ở Việt Nam (có tư cách pháp nhân tại nước ngoài) được thành lập tại Belize. Đây là một quốc gia Trung Mỹ, nơi có thể thành lập công ty offshore (ngoại quốc) miễn thuế. Công ty đầu tư đặt tại nước này sẽ rất dễ dàng trong việc làm thủ tục, đăng kí. Chỉ cần một vị cổ đông đứng ra đăng kí là được, không có sự hạn chế về quốc tịch, cá nhân hoặc pháp nhân đều có thể đảm nhiệm ban quản trị của công ty, cổ đông của công ty mà không cần phải có sự ủy nhiệm của ban thư kí công ty.
Trên trang offshorecompanycorp.com có dịch vụ thành lập công ty tại Belize với giá chỉ từ 709 USD với phí duy trì công ty hàng năm vào khoảng 1.200 USD. Vốn pháp định của công ty thành lập tại đây thường được khai thấp nhằm giữ cho mức phí hàng năm ở mức tối thiểu. Đây là một khởi đầu an toàn, đáng tin cậy. Vậy là, chúng ta đã có một công ty phát hành tiền mã hóa quốc tế với chi phí rất rẻ. Tạm gọi công ty này là A. Vậy, giai đoạn tiếp theo A sẽ làm gì?
Tạo đồng tiền mã hóa, xây dựng sách trắng, hồ sơ cá nhân của lãnh đạo dự án?
Việc kinh doanh tiền ảo, lừa đảo đa cấp qua ảo (tiền mã hóa) được coi là lĩnh vực công nghệ cao. Nhưng thật sự thì việc tạo ra một đồng tiền như vậy không hề khó khăn. Với mã nguồn mở, dân công nghệ có thể chỉ mất một vài giờ đã tạo ra được một hợp đồng thông minh với một đồng tiền mã hóa mới (A token) do mình tự đặt tên với số lượng phát hành được định trước (ví dụ khoảng 21 triệu token giống như số lượng đồng Bitcoin được phát hành). Công ty A chúng ta vừa giả định ở trên có thể tạo ra một đồng tiền mã hóa theo công nghệ ERC-20 với đầy đủ tính năng của một đồng tiền ảo như: khả năng đào, đốt, có mã nguồn được xác thực… với mức giá chỉ khoảng 2.000 USD. Rất nhiều website hiện cung cấp dịch vụ này như Vittominacori hay Tokenmaker… Tiếp theo đó, công ty sẽ phải tạo ra một chương trình ví để người dùng có thể lưu trữ và giao dịch loại tiền này.
Song song với việc tạo ra đồng tiền ảo của riêng mình, công ty A sẽ phải trình bày về mục đích phát hành ra đồng tiền mã hóa A token. Và mục đích này sẽ được công ty A trình bày trong sách trắng (whitepaper) của công ty. Trong sách trắng, thường A sẽ nói về những dự án mà mình được thực hiện, hệ sinh thái mà mình sẽ tạo ra để đồng tiền được phát hành có thể tiêu thụ, có thể “đốt”, có tiềm năng về thương mại, thu hút người dùng. Việc vẽ ra các dự án không hề khó, như đồng tiền mã hóa Pi thời gian gần đây từng nói rằng Pi sẽ được sử dụng để mua các sản phẩm dịch vụ thật chứ không chỉ tồn tại trong thế giới ảo. Tại sao cần phải nói về dự án và phương thức đồng tiền sẽ được tiêu thụ?
Một đồng tiền chỉ có giá trị khi nó có thể trao đổi được. Đó chính là lý do mà các đồng tiền mã hóa luôn phải được những người sáng lập nó neo vào một dự án có tiềm năng. Ví dụ ở khoảng thời điểm 2 năm trước đây, các đồng tiền mã hóa thường neo vào các dự án game bài, nơi những người chơi cờ bạc dễ dàng đốt những đồng tiền này trong trò chơi, họ có thể mua tiền ảo và chơi trong trò chơi rồi lại đổi ra tiền thật (như Philippines có hành lang pháp lý chấp thuận vấn đề này). Như vậy, đồng tiền mã hóa sẽ có khả năng giao dịch nhờ đó tạo ra giá trị nội tại của chính mình. Ở thời điểm hiện tại, khi xu hướng tài chính phi tập trung DeFi nổi lên trong thế giới tiền mã hóa, các đồng tiền này thường được neo vào một dự án tài chính nào đó như cho vay ngang hàng, thế chấp tiền ảo, bảo hiểm tiền ảo… Nhưng không có gì đảm bảo rằng dự án được trình bày trong sách trắng không phải là một dự án ma.
Tiếp theo, A sẽ phải tạo ra hồ sơ cá nhân của những người lãnh đạo dự án. Rất nhiều dự án tiền ảo đang tồn tại trên thị trường đã làm điều này bằng cách đi thuê người đứng tên. Hồ sơ của người lãnh đạo dự án thường xuất hiện trên mạng xã hội việc làm LinkedIn với những chi tiết về bằng cấp, kinh nghiệm việc làm và uy tín rất ấn tượng. Nhưng khi dự án “sập” thì những hồ sơ này cũng biến mất ngay lập tức.
Và ban đầu công ty A đã tự tạo cho mình được một chút uy tín. Tiếp theo sẽ đến giai đoạn làm FOMO và niêm yết đồng token A lên các sàn tiền ảo và triển khai mô hình đa cấp tiền từ giai đoạn trước khi phát hành đồng tiền.
Đa cấp tiền ảo bằng tiền ảo hoạt động thế nào?
Giới đầu cơ, môi giới tiền ảo rất giỏi trong việc tạo hiệu ứng FOMO trên thị trường. FOMO (Sợ bị bỏ lỡ – Fear Of Missing Out) được nhà đầu tư mạo hiểm Patrick James McGinnis định nghĩa lần đầu tiên vào năm 2004. Nó là một chứng lo âu xã hội. Trong đó, một người tin rằng những người khác đang làm cho cuộc sống của họ trở nên tốt hơn, còn bản thân mình thì không, nên bị thôi thúc phải làm theo họ. Người môi giới tiền ảo sẽ truyền bá thông tin như token A có thể sẽ trở thành một hiện tượng như Bitcoin tiếp theo. Và xuất hiện một nỗi sợ bị bỏ lại. Nếu bạn không tham gia, tất cả sẽ trở thành triệu phú trừ bạn.
Ngoài ra, những người môi giới sẽ còn tổ chức các hội thảo, họ sẽ không nói về đồng tiền ảo này một cách trực tiếp mà đề cập đến tiềm năng của những dự án được đề cập trong sách trắng. Khi những nhà đầu tư thể hiện sự tin tưởng rõ ràng với dự án mà đồng tiền ảo này neo vào. Khi đó những nhà môi giới của A mới tung ra chiêu cuối cùng: Đa cấp tiền ảo bằng tiền ảo.
Khác với những chiêu trò lừa đảo tiền ảo khác mà người dùng bỏ tiền thật vẫn được trả lãi cho đến ngày họ không vào được website của hệ thống để giao dịch nữa, chiêu đa cấp tiền ảo bằng tiền ảo tinh vi hơn và gây hại lớn hơn cho những nhà đầu tư. Đơn giản, bởi số tiền lãi mà nhà đầu tư được trả lại chính là số tiền ảo mà họ mua. Ví dụ: ông B mua 1.000 token của dự án A với giá 1.000 USD, mỗi ngày ông B sẽ được trả lãi bằng 10 token. Hình thức đa cấp tiền ảo bằng tiền ảo thường được áp dụng từ giai đoạn ICO (Intial Coin Offering – Đợt phát hành tiền ảo đầu tiên), giai đoạn nhằm gây quỹ cho dự án trước khi đồng tiền được niêm yết chính thức.
Ở giai đoạn ICO, nhà đầu tư sẽ được mua với giá ưu đãi hơn nhiều so với giá mà nhà phát hành cam kết khi niêm yết trên sàn. Vẫn với mô hình kim tự tháp, những người ở đỉnh kim tự tháp sẽ được lợi nhuận nhiều hơn những người ở tầng thứ phía dưới. Nhưng tất cả lợi nhuận này đều phải trông chờ cho đến khi đồng tiền ảo A được niêm. Để giữ cho đồng tiền ảo mới ra không bị bán tháo ngay khi niêm yết, những công ty phát hành tiền ảo thường yêu cầu khóa số tiền của người sử dụng trong khoảng thời gian nhất định khoảng từ 3-6 tháng kể từ khi họ mua đồng tiền này. Và câu chuyện tiếp theo hoàn toàn dựa trên sự “hên – xui”.
Như đã nói trên, một đồng tiền chỉ có giá trị khi nó có khả năng giao dịch và để đồng tiền giao dịch được thì các dự án mà nhà phát hành tiền đề cập trong sách trắng phải có khả năng thành công. Trong khoảng thời gian 3-6 tháng kể từ khi chính thức niêm yết đồng tiền trên một sàn giao dịch, nếu các dự án không thành công, nhà đầu tư không còn tin tưởng, hoặc thị trường không còn niềm tin với đồng A nó sẽ trở về giá trị 0. Và vì khoản tiền trong tài khoản vẫn bị khóa, nên nhà đầu tư vào nó không còn cách gì ngoài hy vọng. Rồi thường thì họ sẽ mất trắng khoản đầu tư của mình.
Rất nhiều người đã không nhận ra để rồi sa vào cái bẫy rất đơn giản nhưng tinh vi của tiền mã hóa. Mọi chi tiết trong một dự án tiền mã hóa đều có thể được tạo ra hoàn hảo một cách giả tạo. Cuối cùng thì cuộc chơi tiền ảo vẫn là cuộc chơi của những nhà môi giới. Những nhà đầu tư mới cần phải cảnh tỉnh và tìm hiểu nhiều hơn thị trường đầy rủi ro và mạo hiểm này.
Tiệp Nguyễn – Bài đăng trên tạp chí giấy Nhà Đầu Tư tháng 5/2021.