Cựu đại sứ Pháp tại Mỹ, Gérard Araud cho rằng con bài chiến lược của tổng thống Trump ở Trung Đông là việc thiết lập được một thỏa thuận hòa bình giữa Israel và Palestine. Đó cũng là một yếu tố quan trọng trong chiến lược tranh cử tổng thống của ông Trump vào năm 2020.
Với việc rút quân Mỹ khỏi miền bắc Syria, một lần nữa, Tổng thống Mỹ Donald Trump đưa ra tín hiệu rằng chính quyền của ông chỉ nhìn nhận 2 lợi ích quốc gia tại Trung Đông: việc ngăn chặn Iran và an ninh của Israel.
Với vấn đề thứ 1, Mỹ mới gửi thêm quân tới Ả rập Xê-út, địch thủ chính của Iran trong khu vực. Còn với vấn đề thứ 2, ông Trump lặp lại rằng ông sẽ đưa ra một kế hoạch hòa bình giữa Israel và người Palestine. Bởi, một sáng kiến hòa bình như vậy có thể trở thành yếu tố quan trọng trong chiến dịch bầu cử tổng thống Mỹ vào năm 2020, ông Trump sẽ phải quyết định sớm xem có thi hành cam kết trên không ở thời điểm chính phủ mới của Israel sẽ nắm quyền khi cuộc bầu cử nghị viện của nước này vừa kết thúc vào tháng trước.
Ông Trump đã giao nhiệm vụ cho con rể mình là Jared Kushner, lập nên một kế hoạch hòa bình chi tiết. Kế hoạch này có xuất phát điểm từ những nỗ lực ngoại giao trước đó của Mỹ, nó luôn nhắm tới việc hướng Israel và Palestine đàm phán một hiệp ước hòa bình với nhau dưới sự bảo trợ của Mỹ. Phương thức hành động mới này không phải là một ý tưởng tồi, bởi cả 2 phe đều không có khả năng tự có những bước tiến tích cực mới.
Giới chức Palestine vốn có những bất đồng từ cuộc bầu cử tại Gaza vào năm 2006, với những lãnh đạo có tuổi, bị xói mòn bởi tiêu cực đã mất đi tính chính thống, hợp pháp cần thiết để có thể đưa ra những thỏa hiệp. Trong khi đó, Israel đang quá nghiêng về phía cánh hữu khiến cho không chính phủ nào có thể đưa ra trước hội đồng lập pháp một kế hoạch hòa bình được cả 2 bên chấp nhận.
Về lý thuyết, một vị trọng tài xuất hiện có thể khắc phục những trở ngại này. Hơn nữa, mối quan hệ gần gũi của Jared Kushner với Israel có thể trở thành vốn quý sau này.
Lịch sử đã cho thấy rằng bên thắng cuộc trong những cuộc chạm trán về địa chính trị không bao giờ tự nguyện từ bỏ trái ngọt trong chiến thắng mà họ đạt được. Israel là một siêu cường trong khu vực với nền kinh tế hậu công nghiệp, vũ khí nguyên tử và quan hệ đồng minh vững chắc với Mỹ, rõ ràng có những tiềm lực để áp đặt ý chí của mình lên đối thủ yếu đuối Palestine.
Sẽ không có một sự dàn xếp hòa bình nào giữa Israel và Palestine mà không phản ánh sự chênh lệch về quyền lực của 2 nước. Hơn nữa, không có một phe phái bên ngoài nào, kể cả những quyền lực chủ chốt tại Châu Âu hay các chính phủ Ả rập có thể ảnh hưởng tới cán cân này: Châu Âu thì bị chia rẽ bởi các mục tiêu khác nhau, còn những nước Ả rập vùng Vịnh về thực tế đã phần lớn trở thành đồng minh của Israel để chống lại Iran.
Bởi vậy, Israel giữ chìa khóa để giải quyết sự xung đột. Nhưng điều đó có nghĩa là phải thuyết phục được công chúng Israel chấp nhận việc thiết lập một nhà nước, thậm chí là một nhà nước thù địch chỉ cách thủ đô của mình khoảng 15km.
Những tính toán trên giải thích cho một loạt những hành động ủng hộ gần đây của chính quyền tổng thống Trump với Israel, bao gồm cả việc chuyển Đại sứ quán Mỹ từ Tel Aviv tới Jerusalem và hành động của Mỹ công nhận việc Israel sáp nhập cao nguyên Golan (chiếm đóng của Syria).
Mục tiêu của ông Kushner là cho người Israel thấy họ có thể tin tưởng ông Trump khi ông đưa ra lời đề nghị đàm phán hòa bình. Trong hoàn cảnh hiện tại, khi ở Israel ông Trump hiện còn nổi tiếng hơn cả thủ tướng Benjamin Netanyahu, cách Mỹ hành động đang chứng minh tính hiệu quả.
Bản kế hoạch dài 50 trang của ông Kushner hiện đã sẵn sàng. Mặc dù nội dung của kế hoạch vẫn được giữ bí mật nhưng có vẻ như nó sẽ rất phù hợp với vị thế của Israel hiện tại. Đề nghị của Mỹ có thể sẽ đưa ra cho người Palestine một mức độ tự trị lớn thay vì là một đất nước chính thức, hoàn toàn độc lập, và giữ lại hầu hết những khu định cư của Israel tại Bờ Tây sông Jordan.
Vậy kế hoạch của Kushner liệu có khả thi hay sẽ thất bại? Với sự bất lực trong 20 năm qua của các đời tổng thống Mỹ trước đây trong việc đem lại hòa bình cho khu vực thì có thể cho rằng đây là “món cược” an toàn nhất cho ông Trump.
Nhưng cũng không thể loại trừ những yếu tố gây ảnh hưởng khác. Vào tháng 6, chính quyền của ông Trump đã đưa ra những lời đề nghị riêng biệt khác về hỗ trợ kinh tế với khu vực Bờ Tây và dải Gaza, bao gồm khoản đầu tư 50 tỷ USD trong vòng 10 năm. Một gói hỗ trợ như vậy sẽ rất hấp dẫn những người đang khốn cùng về kinh tế.
Hơn nữa, vẫn có rủi ro tại Bờ Tây: việc tiếp tục mở rộng khu tái định cư của người Do Thái sẽ nhanh chóng gây ra việc không thể dàn xếp được một vùng lãnh thổ cần thiết để xây dựng một nhà nước Palestine vững chắc.
Do đó, người Palestine phải đối mặt với sự lựa chọn giữa một sự thỏa hiệp bất đắc dĩ hoặc tiếp tục khiến tình huống của mình ngày một xấu đi. Có thể, họ sẽ lựa chọn thỏa hiệp như một bước đi tích cực đầu tiên. Điều này, ít nhất theo tính toán của Kushner thì kế hoạch sẽ “tốt hơn với người Palestine hơn họ nghĩ”.
Cũng lúc, cả 2 phe đều cảm thấy bớt căng thẳng vì không phải ứng phó với áp lực của Mỹ. Người Palestine sợ Israel áp dụng hành động độc đoán với mình. Còn Israel thì biết rằng ông Trump, người hoàn toàn có cái nhìn kiểu “thương nhân” đối với công tác ngoại giao, mong họ sẽ đáp lại sự hào phóng của ông bằng cách nhượng bộ một chút với thỏa thuận hòa bình.
Nhưng trên hết, hiện trạng thực tế đang có lợi cho Israel. Đất nước này có thể giữ khu vực Bờ Tây mà không phải quyết định biến người Palestine tại đây trở thành công dân Israel hay người ngoại quốc trên chính lãnh thổ của họ (Palestine). Hơn nữa, Israel có thể dùng sức mạnh vượt trội về quân sự trong khu vực ít nhất là để đảm bảo an ninh, thứ đến là làm lợi thế cho bất cứ một thỏa thuận hòa bình nào.
Mọi thứ giờ đây đều phụ thuộc vào ông Trump, người đã công khai hứa hẹn sẽ chuyển giao kế hoạch hòa bình do con rể mình lập nên cho cả 2 phía. Nhưng dù ông Trump quyết định thế nào và dù cho ai thắng cử trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2020, có một điều rất rõ ràng: Israel và người Palestine không có khả năng tự đạt được một thỏa thuận hòa bình, dù Israel có được sự ủng hộ nhiệt thành nhất của Mỹ. Mọi nỗ lực để dàn xếp xung đột phải dựa trên nhận thức về thực tế đó. Giống như những đời tổng thống Mỹ trước đây, có thể ông Trump sẽ thất bại trong việc bảo đảm thỏa thuận hòa bình Israel – Palestine. Nhưng bằng cách đề xuất một thỏa thuận thay vì chỉ đi theo 1 phe, ông có thể thiết lập nên một mô hình mà người kế nhiệm ông sẽ đi theo.