Cựu Bộ trưởng Tài chính Hy Lạp Yanis Varoufakis cho rằng, đồng tiền ảo Libra của Facebook mang tính đột phá nhưng nó sẽ có hại khi nằm trong tay tư nhân. Ý tưởng về Libra nên được sử dụng để phục vụ cho lợi ích công cộng.
Hiệp hội Libra đang tan rã. Visa, Mastercard, Paypal, Stripe, Mercado Pago và eBay đã từ bỏ tổ chức làm nền móng cho Libra do Facebook dẫn đầu. Đây là một đồng tiền ảo được bảo đảm bằng tài sản ít biến động nhằm cách mạng hóa tiền tệ quốc tế. Nhiều tập đoàn cũng đang muốn rời khỏi Libra do phải chịu áp lực từ nhiều chính phủ đang lo lắng và xác định phải ngay lập tức dừng sự ra đời của đồng tiền này.
Đây là một tin tức tốt. Vì, mọi người sẽ chịu thiệt hại nếu Facebook được cho phép sử dụng Libra để tư nhân hóa hệ thống thanh toán quốc tế. Nhưng các quan chức hiện đang “đàn áp” Libra cũng cần phải hướng tới tương lai và hành động với sự sáng tạo, lợi ích và tầm nhìn: nắm lấy Libra hay ý tưởng gốc của nó, trao nó cho Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF, để có thể sử dụng ý tưởng này nhằm giảm chênh lệch thương mại toàn cầu và tái cân bằng những dòng tài chính. Thực tế, một đồng tiền ảo giống như Libra có thể giúp IMF thực hiện mục đích cơ bản của mình.
Khi Mark Zuckerberg, CEO của Facebook thông báo về Libra, ý tưởng này có vẻ thú vị và vô hại. Bất cứ ai có điện thoại di động cũng có thể mua những đồng Libra với tiền nội địa và bằng các phương tiện thông dụng tiêu chuẩn như thẻ tín dụng hay tài khoản ngân hàng trực tuyến. Những đồng tiền này có thể sử dụng để thanh toán cho người dùng Libra khác hay mua các sản phẩm và dịch vụ hoặc trả nợ. Để đảm bảo hoàn toàn minh bạch, tất cả các giao dịch sẽ sử dụng công nghệ blockchain. Một điểm khác biệt cơ bản với Bitcoin là: đồng Libra sẽ được đảm bảo hoàn toàn bằng những tài sản có giá trị chắc chắn, ít biến động.
Để neo đồng Libra vào những tài sản xác thực, hiệp hội đảm bảo cam kết của mình bằng cách sử dụng doanh thu cùng với vốn gốc được đóng góp bởi các công ty thành viên (ít nhất 10 triệu USD / thành viên), để mua những tài sản tài chính có tính thanh khoản và được đánh giá cao. Với vai trò lãnh đạo của Facebook, không khó để dự đoán trước sẽ có thời điểm mà 1/2 dân số trưởng thành trên hành tinh sử dụng đồng Libra. 2,4 tỷ người dùng Facebook hàng tháng, sẽ có một đồng tiền mới cho phép họ giao dịch với người khác và bỏ qua hoàn toàn các hệ thống tài chính khác.
Phản ứng ban đầu của những nhà chức trách vụng về một cách tiêu cực. Bằng cách nhấn mạnh khả năng sử dụng Libra như một công cụ tiền tệ để phạm tội, họ chỉ thành công trong việc xác minh mối nghi ngờ của những người theo chủ nghĩa tự do rằng họ sẽ phải đối mặt với mối đe dọa sẽ mất đi quyền kiểm soát với tiền tệ, luật pháp, chính trị và những ngân hàng trung ương muốn bóp nghẹt việc giải phóng các cải cách về tiền tệ.
Đây là một điều đáng tiếc. Bởi phương tiện có khả năng lớn nhất cho các hoạt động phi pháp chính là tiền mặt. Và quan trọng hơn là Libra tạo ra mối đe dọa mang tính hệ thống cho các nền kinh tế chính trị, kể cả khi nó không bao giờ được sử dụng để tài trợ, cung cấp tài chính cho khủng bố hay các hoạt động tội ác.
Bắt đầu với những hiệu ứng tiêu cực của Libra lên những người dùng cá nhân, gợi đến những nỗ lực lớn của hầu hết các nước đã đầu tư nhằm thu hẹp nhất sự biến động về sức mua của đồng tiền nội địa. Với kết quả của những nỗ lực này, 100 USD hay 100 Euro ngày hôm nay có thể mua nhiều hoặc ít hơn cùng lượng sản phẩm so với tháng tới. Nhưng điều tương tự sẽ không xảy ra đối với 100 USD hay 100 Euro đã được chuyển đổi thành đồng Libra.
Tính tới phạm vi nếu Libra được đảm bảo bằng các tài sản định giá bằng một loạt các loại tiền tệ khác nhau, sức mua của mỗi đồng Libra tại mỗi nước sẽ có mức độ dao động lớn hơn nhiều so với đồng nội tệ. Thực tế, Libra giống với dạng tiền dự trữ quốc tế mà IMF tạo ra, được gọi là SDR (quyền rút vốn đặc biệt), phản ánh giá trị bình quân gia quyền của những đồng tiền mạnh nhất trên thế giới.
Để hiểu nó có ý nghĩa thế nào, hãy xét tới năm 2015, khi tỷ giá hối đoái giữa đồng USD và SDR dao động ở mức lên tới 20%. Khi một người tiêu dùng Mỹ đổi 100 USD sang Libra, họ sẽ trở thành nạn nhân khi sức mua trong nội địa của đồng tiền này dao động rất bất thường. Và với những công dân của các nước đang phát triển mà đồng tiền đang có xu hướng sụt giá, khả năng dễ dàng đổi tiền của Libra sẽ làm tăng tốc quá trình sụt giá, tăng lạm phát, khiến cho quá trình thoát vốn nhanh xảy ra hơn.
Kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, các nhà chức trách đã phải vật lộn để xử lý tình trạng lạm phát, việc làm và đầu tư với các đòn bẩy về tài chính và tiền tệ mà trước cuộc khủng hoảng có vẻ hoạt động tốt. Libra sẽ làm giảm bớt năng lực của các đất nước để xử lý các chu kỳ kinh tế. Hiệu quả của chính sách tài khóa sẽ bị tổn hại khi căn cứ tính thuế hẹp lại, với mỗi giao dịch thanh toán lại chuyển tới hệ thống thanh toán toàn cầu nằm trong Facebook. Và một cú sốc lớn hơn sẽ xảy ra với chính sách tiền tệ.
Bất chấp hậu quả, các ngân hàng trung ương xử lý số lượng và dòng tiền bằng cách rút khỏi hoặc thêm vào các tài sản trên giấy tờ trong kho dự trữ của các ngân hàng tư nhân. Khi họ muốn kích thích các hoạt động kinh tế, các ngân hàng trung ương mua những khoản vay thương mại, thế chấp, tiền gửi và các tài sản khác từ các ngân hàng tư nhân. Những ngân hàng sẽ có thêm tiền để cho vay. Và họ sẽ làm ngược lại khi các nhà chức trách muốn hạ nhiệt nền kinh tế.
Nhưng nếu Libra càng trở nên thành công thì mọi người càng chuyển nhiều tiền trong ngân hàng của họ vào ví Libra hơn. Và các ngân hàng trung ương càng bị mất đi khả năng để ổn định nền kinh tế. Nói cách khác, Libra càng bay cao thì khủng hoảng và bất ổn càng sâu hơn với con người và các quốc gia.
Phía hưởng lợi duy nhất sẽ là Hiệp hội Libra. Họ sẽ có được thu nhập lợi tức khổng lồ từ các nguồn tài sản trên khắp thế giới. Chúng sẽ chồng chất lại với phần lớn những khoản tiết kiệm trên toàn cầu bị thu hút vào nền tảng thanh toán mới. Nhanh chóng, Hiệp hội Libra sẽ bị cám dỗ thúc đẩy những khoản tín dụng cho các cá nhân hay tập đoàn, và biến từ một hệ thống thanh toán trở thành một nhà băng khổng lồ toàn cầu mà không một chính phủ nào có thể từ bỏ, chỉnh đốn hay phân tách.
Đó chính là lý do tại sao tin tức Libra đang bị xóa bỏ lại là tin tốt, cùng với giấc mơ về một hệ thống thanh toán độc quyền tư nhân của Zuckerberg. Nhưng chúng ta không nên vứt bỏ ý tưởng này. Nước bài ở đây là giao phó việc triển khai ý tưởng này cho IMF cùng các đất nước thành viên của tổ chức này, với quan điểm phát minh lại hệ thống tiền tệ quốc tế. Hệ thống mới sẽ phản ánh ý tưởng của nhà kinh tế học John Maynard Keynes đưa ra trong Hội nghị Bretton Woods năm 1944 về một Liên minh Thanh toán bù trừ Quốc tế (ICU).
Để xây dựng hệ thống mới, IMF cần phát hành một đồng tiền mới giống Libra dựa trên nền tảng blockchain. Hãy tạm gọi đồng tiền này là Kosmos, với tỷ giá hối đoái so với các đồng tiền nội địa khác có thể trôi nổi một cách tự do. Mọi người sẽ tiếp tục dùng đồng nội tệ, nhưng mọi giao dịch thương mại và vốn xuyên biên giới sẽ được thực hiện qua Kosmos và chuyển giao qua tài khoản của ngân hàng trung ương mỗi nước tại IMF.
Thặng dư và thâm hụt thương mại phải chịu một mức thuế chênh lệch thương mại, trong khi các thực thể tài chính tư nhân phải trả một khoản phí cân xứng với sự vượt mức của dòng vốn. Tiền phạt sẽ được đổ vào một tài khoản IMF có giá trị tính theo đồng Kosmos như một quỹ thịnh vượng tối cao toàn cầu.
Khi đó, lập tức mọi giao dịch quốc tế trở nên trôi chảy và hoàn toàn minh bạch. Đồng thời, những hình phạt nhỏ nhưng quan trọng giữ cho chênh lệch thương mại và vốn luôn trong tầm ngắm. Quỹ phạt này cũng được sử dụng để cấp tiền cho hoạt động đầu tư xanh và hỗ trợ cân bằng chênh lệch giàu nghèo.
Những ý tưởng đột phá có thể sẽ là thảm họa trong tay tư nhân thì nên được sử dụng để phục vụ lợi ích công cộng. Bằng cách đó, chúng ta có thể hưởng lợi từ sự sáng tạo của chúng thay vì biến thành một con mồi vô tri.