Tại cuộc họp thượng đỉnh các nước G7 tại Biarritz, Pháp vào cuối tháng 8, các nhà lãnh đạo lại tiếp tục “đãi bôi” về việc tái cơ cấu Tổ chức Thương mại Thế giới WTO.
Nhưng với nỗ lực do Mỹ dẫn đầu làm suy yếu WTO, kịch bản rất có thể xảy ra là xuất hiện một trật tự thế giới mới trong đó các thỏa thuận thương mại sẽ thay thế luật lệ về thương mại và sức mạnh thô bạo về chính trị sẽ quyết định cách phân xử những tranh chấp.
Vào những năm 1980, chính quyền của tổng thống Mỹ Ronald Reagan đã ép Nhật Bản phải đồng ý “tự nguyện” kiềm chế xuất khẩu, đặc biệt là mặt hàng ô tô nhằm giảm thâm hụt thương mại của Mỹ và bảo vệ các công ty của nước này khỏi sự cạnh tranh của Nhật.
Tới năm 1994, thâm hụt thương mại không giảm nhưng những nhà sản xuất xe hơi của Mỹ đã trở nên cạnh tranh hơn vì vậy những lệnh kiềm chế được ngừng lại. Năm sau, WTO được thành lập và sự “tình nguyện” kiềm chế thiếu công bằng là phạm luật.
Kể từ đó, Nhật Bản – đất nước mà thương mại chiếm tới 35% GDP, trở thành người bảo vệ trung thành cho những luật lệ thương mại đa phương. Nhưng điều này có thể sẽ thay đổi để đáp ứng sự leo thang tấn công của tổng thống Trump vào hệ thống thương mại dựa trên nền tảng luật lệ.
Gần đây, Nhật Bản đã đồng ý đàm phán một thỏa thuận thương mại ưu đãi với Mỹ. Điều này có thể thách thức một trong những trụ cột của hệ thống thương mại đa phương: bổn phận của tối huệ quốc (MFN: most favored nation), một nước đưa ra những sự nhượng bộ hay đặc quyền cho một nước khác trong một thỏa thuận thương mại sẽ phải mở rộng những đặc quyền này với tất cả các thành viên WTO. Lần này, Nhật Bản lại tiếp tục hành động một cách “tình nguyện” dưới áp lực mạnh mẽ từ phía Mỹ.
Theo thông tin báo chí, ông Trump đã đưa ra lựa chọn khắc nghiệt với Nhật: mở rộng thị trường vốn đang được bảo vệ rất chặt chẽ của nước này với những sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu của Mỹ, hay phải đối mặt với việc Mỹ gia tăng áp thuế vào mặt hàng ô tô và các sản phẩm công nghiệp khác.
Giành được sự tiếp cận với thị trường nông nghiệp của Nhật Bản sẽ là sự hoàn ứng với những quan ngại về “an ninh quốc gia” của ông Trump với các sản phẩm nhập khẩu của Toytota và Honda – sự biện minh cho phép tổng thống Mỹ phá vỡ những luật lệ của WTO bằng phương thức áp thuế của mình.
Theo bổn phận tối huệ quốc, những sự nhượng bộ được đưa ra trong một thỏa thuận cần phải được mở rộng tới tất cả những thành viên còn lại của WTO. Đây không phải là trường hợp Mỹ và Nhật tạo ra một khu vực tự do thương mại (FTA) để không phải áp dụng bổn phận tối huệ quốc.
Bởi khi coi nó là FTA sẽ cần phải loại bỏ hết các bổn phận và luật lệ giới hạn với “hầu hết các hoạt động thương mại” – tức là không ít hơn 90% những giao dịch thương mại song phương. Thỏa thuận thương mại sắp có giữa Mỹ với Nhật Bản không đáp ứng tiêu chuẩn này.
Chính quyền của tổng thống Trump sẽ không nhụt chí. Trong thế giới của những hoạt động thương mại bị chế ngự mà ông Trump đang kéo mọi người vào, những thỏa thuận đàm phán của riêng ông sẽ gây ra nhiều vấn đề hơn là những luật lệ và tiêu chuẩn đa phương.
Với lý do an ninh quốc gia, ông Trump có thể muốn thao túng cả hệ thống, tuyên bố rằng thỏa thuận song phương là bước đầu tiên trong tiến trình tạo ra một khu vực tự do thương mại toàn diện. Ngay cả vậy, về phương diện luật lệ, điều này cũng không thể loại trừ hai nước khỏi bổn phận tối huệ quốc.
Không chủ ý nhưng Liên Hợp Quốc có lẽ đã đóng thêm chiếc đinh nữa vào “chiếc quan tài” cho WTO với “Công ước LHQ về các thỏa thuận giải quyết quốc tế thông qua hòa giải”. Mặc dù WTO đã có một cơ chế giải quyết tranh chấp đáng tin cậy, công ước trên đang mở ra cho nhiều nước thông qua hơn, và để cung cấp một “phương pháp thay thế hiệu quả” để giải quyết các tranh chấp thương mại.
Cơ chế giải quyết tranh chấp của WTO từ lâu đã được coi là một viên đá quý trên chiếc vương miện. Cơ chế này có quyền phán quyết cưỡng chế đối với những tranh chấp nảy sinh trong những thỏa thuận được bảo vệ, các thành viên phải tuân theo “báo cáo hội thẩm” (những kiến nghị được đưa ra bởi 3 chuyên gia độc lập).
Sự phản đối những báo cáo này sẽ được 7 thành viên của cơ quan phúc thẩm (Appellate Body) xem xét. Cơ quan này có thể tán thành, sửa đổi hay thay đổi hoàn toàn những điều bên hội thẩm tìm ra. Khi đã được Ban giải quyết tranh chấp (Dispute Settlement Body) chấp nhận, các báo cáo của cơ quan phúc thẩm phải được tất cả các bên tham gia tranh chấp thừa nhận.
Nhờ có ông Trump, hệ thống trên hiện đang cận kề với cái chết. Chính quyền của ông đang ngăn chặn sự thay thế các thành viên của cơ quan phúc thẩm khi nhiệm kỳ của họ kết thúc, tuyên bố họ đã vượt quá thẩm quyền của mình.
Cơ quan phúc thẩm hiện chỉ còn 3 thành viên, con số tối thiểu cần thiết để thông qua những phán quyết. Trừ phi Mỹ thay đổi đường lối vào giữa tháng 12, khi nhiệm kỳ của 2 trọng tài kết thúc, cơ quan phúc thẩm sẽ mất đi hiệu lực. Ở điểm này, khi một nước không đồng ý với báo cáo hội thẩm, họ có thể khiến những phán quyết này bị chìm vào quên lãng chỉ bằng cách đưa ra kháng cáo.
Công ước mới của Liên Hợp Quốc về các thỏa thuận giải quyết quốc tế thông qua hòa giải nhắm tới việc lấp đi lỗ hổng mà cơ quan phúc thẩm WTO bỏ sót. Nhưng những nhà điều đình không thể đưa ra luật hay áp các giải pháp, họ chỉ có thể giúp các bên đạt được thỏa thuận.
Việc gìn giữ cơ chế hòa giải tranh chấp của WTO sẽ là một phương thức hữu ích để duy trì hệ thống thương mại đa phương. Thay thế nó bằng một phương phức yếu hơn có thể sẽ đem lại những hiệu ứng ngược lại.
Chắc chắn rằng, Mỹ không đơn phương hủy hoại WTO, dù họ rõ ràng đã có hành động thúc đẩy mạnh mẽ những nước khác thách thức tổ chức này. Một nhóm các nền kinh tế đang phát triển không khoan nhượng, đặc biệt là Cuba, Ấn Độ, Nam Phi và Venezuela cũng góp phần của mình vào trong hành động đó.
Làm ngơ những tác động tiêu cực của chính sách nội địa với viễn cảnh kinh tế của mình, nhưng nước này tuyên bố WTO đang có chính sách thiên lệch đối với các nước đang phát triển. Vì thế, họ muốn quy định mọi cải tổ WTO phải có những kết quả tốt đẹp đối với mình.
Khi làm vậy, họ đang tiếp tay cho nỗ lực của ông Trump phá hủy một hệ thống dựa trên nền tảng luật pháp đã cung cấp khả năng dự đoán cho các nhà đầu tư, đồng thời mở ra sự thịnh vượng cho rất nhiều nước đang phát triển.
Ngay cả Nhật Bản cũng đã tạo ra những thách thức riêng của mình đối với thương mại tự do. Vào tháng trước, có vẻ lấy cảm hứng từ ông Trump, Nhật đã áp dụng chính sách kiểm soát chặt chẽ hơn vào những mặt hàng hóa chất mà Hàn Quốc nhập khẩu để sản xuất chất bán dẫn (sản phẩm xuất khẩu nhiều nhât của Hàn Quốc), với lý do quan ngại về an ninh quốc gia.
Sau đó, Nhật đã loại Hàn Quốc khỏi “danh sách trắng” những đối tác thương mại đáng tin cậy, đẩy Hàn Quốc phải hạ cấp Nhật Bản trong danh sách về đối tác thương mại của mình và rút khỏi hiệp ước chia sẻ thông tin tình báo quân sự.
Tại cuộc họp thượng đỉnh các nước G7 tại Biarritz vào cuối tháng 8, các nhà lãnh đạo lại tiếp tục “đãi bôi” về việc tái cơ cấu Tổ chức Thương mại Thế giới WTO. Nhưng có rất ít hy vọng họ sẽ theo đuổi điều này. Thay vào đó, chúng ta có thể sẽ bị đưa vào một trật tự thế giới mới, trong đó các thỏa thuận thương mại sẽ thay thế luật lệ về thương mại và sức mạnh thô bạo về chính trị sẽ quyết định cách phân xử những tranh chấp.