Để hiểu rõ về cuộc thương chiến Mỹ – Trung, độc giả cần biết đến 5 yếu tố cơ bản dưới đây.
Mỹ đã áp thuế lên 250 tỷ USD hàng nhập khẩu từ Trung Quốc và đe dọa sẽ tiếp tục áp thuế lên thêm 300 tỷ USD hàng hóa nữa. Bắc Kinh đã trả đũa bằng cách áp thuế vào hàng tỷ USD hàng Mỹ bao gồm rượu, hoa quả và thịt lợn. Các chuyên gia gọi đây là một cuộc thương chiến. Vậy cuộc chiến này có những yếu tố cơ bản nào.
Thuế quan là gì?
Nhà kinh tế học Amitrajeet A. Batabyal của Học viện Kỹ thuật Rochester, định nghĩa một biểu thuế quan là “tiền thuế thu trên một sản phẩm nhập khẩu”. Trong trường hợp của cuộc thương chiến, Batabyal viết tằng việc Mỹ áp thuế quan với Trung Quốc sẽ khiến các sản phẩm Trung Quốc đắt hơn tại Mỹ.
Nhưng ông cũng viết rằng các loại thuế quan “không thể áp dụng một cách thiếu thực tế” và ám chỉ những hành động hung hăng của Mỹ cũng sẽ được Trung Quốc áp dụng.
Những hành động sai lầm
Những linh kiện trong một chiếc iPhone giúp ta hiểu rõ tính vô ích của sự leo thang tranh chấp trong thương chiến.
3 học giả Jason Dedrick, Greg Linden và Kenneth L. Kraemer cho biết “Trung Quốc có ít lợi nhuận trong việc xuất khẩu iPhone hơn chúng ta nghĩ” – dù có bị ông Trump áp thuế hay không.
Ông Trump đã tuyên bố vào tháng 6 sẽ áp 25% thuế lên 300 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, bao gồm cả iPhone nhưng rất nhiều linh kiện trong chiếc iPhone được sản xuất tại Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (những đồng minh của Mỹ) và ngay cả trong chính nội địa nước Mỹ.
Tóm lại, theo các học giả: “Trung Quốc có được rất nhiều từ nhân công giá rẻ và lợi nhuận đó cũng chảy tới những đất nước khác”.
Gây phiền toái cho nông dân
Trong cuộc chiến, Trung Quốc có một vũ khí bất ngờ là đậu nành.
Theo Ian Sheldon, phụ trách lĩnh vực chính sách, thương mại và tiếp thị nông sản tại Đại học Ohio thì Trung Quốc là nhà nhập khẩu nông sản lớn nhất trên thế giới hiện đã “ngừng mua đậu nành từ bất cứ công ty Mỹ nào”.
Đây là hành động “nhằm trả đũa hành động áp thuế của chính quyền tổng thống Trump lên 250 tỷ USD hàng Trung Quốc”.
Ông Sheldon kết luận “Đây là tin rất xấu đối với nông dân Mỹ”.
Phương sách cuối cùng
Giáo sư về tài chính và kinh doanh thuộc Đại học Nam California, ông Rodney Ramcharan cho rằng nền kinh tế Mỹ đang tăng trưởng chậm dần một phần do cuộc thương chiến.
Điều này đã khiến Cục Dự trữ Liên bang Mỹ phải hạ thấp lãi suất ngắn hạn lần đầu tiên trong hơn một thập kỷ qua.
Ông Ramcharan viết rằng: “Những chính sách mà ông Trump đưa ra buộc FED phải hạ thấp lãi suất, cho thấy Ngân hàng Trung ương đang gửi đi những tín hiệu cơ bản rằng hiện tại đó đã là phương sách cuối cùng của chính quyền”.
Trạng thái của nền kinh tế thường đóng vai trò rất lớn trong bầu cử Mỹ, nên ông Ramcharan cho rằng việc FED giảm lãi suất ngắn hạn có thể giúp ông Trump có được lợi thế trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2020.
Cuộc chiến chưa đến hồi kết
Câu hỏi tiếp theo là: Liệu đã có dấu hiệu cuộc chiến kết thúc? Nhà khoa học chính trị thuộc Đại học Georgia, Charles Hankla nói rằng “Không!”
Ông viết, chỉ có thể chiến thắng cuộc thương chiến nếu “một nước có đòn bẩy lợi thế hơn đối thủ – nói cách khác là có thể gây nhiều thiệt hại hơn cho đối thủ hơn là những mất mát của chính mình”.
Cả Mỹ và Trung Quốc đều không có lợi thế đó.
Theo ông Hankla: “Khi không có sự rõ rệt về thắng thua ở cả 2 phe, chúng ta chắc chắn sẽ không được chứng kiến cuộc xung đột này chấm dứt”.